Nguồn gốc và ý nghĩa Tháp chùa Việt Nam

Bài chi tiết: Tháp chùa
Tháp Tịch Quang ở chùa Lân thờ thiền sư Chân Nguyên

Tháp bắt nguồn từ stūpa (Tiếng Phạn: स्तूप), phiên âm Hán Việt là "Tháp-bà" hay "phù-đồ", "Phật-đồ"; dịch nghĩa là chỗ cao ráo, nơi hội tụ công đức, ngôi mộ lớn, lăng mộ, linh miếu. Ban đầu, stupa dùng để chỉ cho những chỗ được kiến tạo để thờ Xá-lợi của Phật, nhưng về sau nó được dùng lẫn lộn với "Chi-đề" (Cetiya: điện thờ)[1].

Việc tạo tháp đã bắt đầu từ thời đức Phật. Thập Tụng Luật, quyển 56 chép: Trưởng giả Tu Đạt từng xin tóc và móng tay của Phật về xây tháp để cúng dường. Ngoài ra, Ma-ha-tăng-kỳ luật, quyển 33 chép: Vua Ba-tư-nặc noi gương Phật, kiến tọa tháp Phật Ca-diếp để lễ bái, cúng dường hằng ngày. Sau khi Phật nhập diệt, Bà-la-môn Hương Tánh chia xá lợi của Phật cho 8 nước; rồi các vị quốc vương rước xá lợi ấy về nước xây tháp cúng dường. Đó là lịch sử xây dựng tháp đầu tiên sau khi Phật nhập Niết-bàn[1].

Tại Ấn Độ, trong thời Phật giáo hưng thịnh, vua A Dục (Asoka) đã cho dựng trên 4,800 toà phù đồ; những công trình nầy để ghi dấu tích đức Phật Thích Ca rải rác khắp lãnh thổ của nhà vua; thời đó, vật kiến trúc này trở thành yếu tố căn bản cho mỗi tu viện, mỗi cảnh chùa. Kiểu thức như những toà phù đồ Ấn Độ, có nơi biến dạng đôi chút, nhưng căn bản kiến trúc vẫn không đổi. Thành thử, phù đồ hay bảo tháp dựng lên, nếu không là nơi chứa những vật kỷ niệm, cũng là nơi tàng chứa xá lợi Phật hay những di vật của những cao tăng, thiền đức viên tịch[2].

Tháp khi xuất hiện ở Trung Hoa và các nước đồng văn đã dần hình thành một lịch sử kiến trúc và điêu khắc phong phú, biến đổi theo từng quan niệm của Phật giáo khi đi vào từng địa phương. Tháp trở thành một biểu tượng không chỉ của Phật giáo, mà còn là sức mạnh của nhà nước sùng Phật giáo đó, của sự hướng thượng, khẳng định vị thế Phật vương, và sự giác ngộ cái vô cùng là trời đất, vũ trụ, nên tháp cũng là một vũ trụ thu nhỏ, là núi Tu-di (tiếng Phạn: मेरु, chữ Hán: 须弥) - nơi tựa của thế giới hay núi của thần thánh[3].

Ở Việt Nam, do trước đây dịch từ tiếng Pháp (từ pagode chỉ chung nơi thờ tự của đạo Phật) dẫn đến lỗi phổ biến hiện nay là phiên dịch pagoda (tiếng Anh) thành "chùa" trong khi "pagoda" chỉ có nghĩa là tháp mà thôi. Đặc biệt, pagoda trong tiếng Anh chỉ riêng loại hình tháp ở Đông Á, mang phong cách Trung Hoa với nhiều tầng và mái đua ra. "Chùa" với nghĩa nơi thờ Phật trong tiếng Anh là Buddhist temple[4].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tháp chùa Việt Nam http://www.tuvienquangduc.com.au/vanhoa/36kientruc... http://www.nhasachkimdung.com/vn/cuu-pham-lien-hoa... http://chimviet.free.fr/lichsu/nguyenhuechi/nhcs05... http://www.baolaocai.vn/du-lich/khanh-thanh-dai-tu... http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/3966/ve-d... http://baotanglichsuquocgia.vn/vi/Articles/3101/15... http://tnti.vnu.edu.vn/thien-tinh-mat-dung-thong-q... http://dsvh.gov.vn/Upload/files/Tap%20chi%20DSVH/S... http://dsvh.gov.vn/thap-gom-men-chua-tro-3093 http://honguyenvietnam.vn/book/dai-nam-thuc-luc-id...